FPT được tạp chí Forbes Việt Nam đánh giá là công ty công nghệ hàng đầu, tiên phong trong chuyển đổi số và tạo ra những xu hướng công nghệ mạnh mẽ nhất.
Ngày 9/12, lễ vinh danh top 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam năm 2021 do tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn đã diễn ra tại TP HCM. Đây là lần thứ 9, FPT liên tiếp có mặt trong danh sách này
Trong phần vinh danh, tạp chí Forbes Việt Nam đánh giá FPT là “ông trùm” công nghệ hàng đầu Việt Nam với những nỗ lực trong ứng dụng công nghệ vào nhiều lĩnh vực, tiến hành chuyển đổi số mạnh mẽ và tạo nên một hiệu ứng lan rộng trong câu chuyện sáng tạo và sử dụng công nghệ trong thời kỳ mới. Anh Vũ Anh Tú (Giám đốc Công nghệ FPT) - đại diện của tập đoàn FPT nhận giải thưởng.
Phần lớn trong danh sách là các công ty đã xác lập được vị thế cạnh tranh trên thị trường, không chỉ dẫn đầu trong lĩnh vực hoạt động của mình mà trong cả nền kinh tế. Danh sách chia ra các lĩnh vực như vận tải, ngân hàng, vật liệu, tiện ích, đa ngành... Trong đó FPT là đại diện duy nhất lĩnh vực công nghệ.
Theo báo cáo tài chính năm 2020, doanh thu và lợi nhuận trước thuế (LNTT) của FPT đạt lần lượt 29.830 tỷ đồng và 5.261 tỷ đồng, tăng 7,6% và 12,8% so với cùng kỳ. Lãi cơ bản trên cổ phiếu đạt 4.119 đồng, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong năm 2020, do tác động của Covid-19, mức giá thấp nhất của cổ phiếu FPT là 33.500 đồng/cổ phiếu được xác lập hồi tháng 3. Trong đà hồi phục của thị trường, cổ phiếu FPT đã 4 lần tạo đỉnh mới chỉ trong tháng 12, từ 57.500 đồng lên 59.100 đồng/cổ phiếu. Như vậy, từ vùng đáy tháng 3, giá cổ phiếu FPT đã tăng 76,4% trong phiên cuối cùng của năm 2020.
Cập nhật kết quả kinh doanh mới nhất, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dẫn thông tin FPT vừa công bố kết quả kinh doanh 10 tháng năm 2021 với doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt đạt 28.215 tỷ đồng và 5.206 tỷ đồng, tăng 19,4% và 19,7% so với cùng kỳ, tương đương 102% và 104% kế hoạch.
Theo đó, biên lợi nhuận trước thuế tăng từ 18,4% lên 18,5%. Lợi nhuận sau thuế cho cổ đông công ty mẹ và EPS lần lượt đạt 3.482 tỷ đồng và 3.844 đồng, tăng 19% và 18,4%, tương đương 103% kế hoạch.
Để thực hiện Danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất 2021, chúng tôi đánh giá các công ty niêm yết trên HSX và HNX qua nhiều bước. Ở vòng sơ loại, các công ty cần đáp ứng các điều kiện: có lợi nhuận trong năm tài chính 2020, doanh thu và vốn hóa tối thiểu 500 tỉ đồng. Các công ty con hoạt động phụ thuộc vào công ty mẹ hoặc có vị thế kinh doanh quá thấp sẽ không được xem xét.
Ở vòng kế tiếp, các công ty được tính toán chấm điểm định lượng trên các tiêu chí: tỉ lệ tăng trưởng kép về doanh thu, lợi nhuận, tỉ lệ ROE, ROC và tăng trưởng EPS giai đoạn 2016-2020. Tiếp theo, Forbes Việt Nam thực hiện điều tra định tính để đánh giá mức phát triển bền vững của doanh nghiệp: vị thế công ty trong ngành, nguồn gốc lợi nhuận, chất lượng quản trị doanh nghiệp, triển vọng phát triển ngành…
Danh sách có sự hỗ trợ tính toán định lượng của công ty IFRC Việt Nam. Vốn hóa các công ty được chốt vào thời điểm cuối tháng 5/2021.